Trang

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Nơi chim Yến về làm tổ




  Bạn đừng nghĩ, chim yến chỉ làm tổ trên đảo ngoài biển đâu nhé! Thiên nhiên, khí hậu Vân Nam cũng là nơi ở lý tưởng cho loài chim có nước dãi quý bậc nhất này.




 Yến tử động (động chim yến), thuộc huyện Kiến Thủy, cách Côn Minh khoảng 200 km. Nơi này chưa có nhiều du khách Việt Nam tới. Mới đến ven núi, chưa thấy chim, đã nghe tiếng chúng gọi nhau rộn ràng. Yến tử động có sông Lư Giang chảy qua, nước đỏ quạch như sông Hồng mùa lũ. Trên vòm hang và hai bên sườn động có vô số những hình hóa thạch kỳ lạ, tùy theo trí tưởng tượng của con người. Đó cũng là nơi hàng ngàn, hàng vạn con chim yến làm tổ. Chúng bay vào, ra vun vút, như đang có muôn vàn mũi tên được bắn lên trời, mà không cái nào đụng vào cái nào. Nếu không đội mũ rộng vành, thì khi ra khỏi hang, người sẽ dính đầy… phân chim. 

Tháng Ba hàng năm yến về, tháng Tám lại bay đi tránh rét. Thời gian ấy cũng là mùa thu hoạch. Vòm hang cao vút, thế mà người ta không cần dùng thang dây, gậy chống vẫn trèo lên lấy được tổ yến. Họ là người dân tộc Di. Đã có một cuộc thi trèo tay không trên vách đá, hàng nghìn người tham gia nhưng chỉ có 20 người thắng cuộc. Người trẻ nhất 16, già nhất là 61 tuổi. Chúng tôi được một phen thót tim khi chứng kiến anh chàng dân tộc Di biểu diễn tuyệt kỹ của mình. Từ độ cao 100 mét trên đỉnh vòm hang, bất ngờ xuất hiện một bóng áo vàng, trên lưng thêu một con yến mầu đen. Anh ta bình tĩnh tung ra một chiếc băng-rôn màu đỏ: “Yến tử động kính chào quý khách”. Sau đó, bằng hai bàn tay không, anh ta thoăn thoắt bám vào vách đá dựng đứng, chỉ trong chớp mắt đã xuống tới nơi, trên mặt nở một nụ cười hiền lành.
Đi thuyền vào cuối hang, có một khu vực bằng phẳng, chứa được vài trăm người. Đó cũng là nơi có thể thưởng thức một bát cháo yến, nấu với đỗ xanh và đỗ đen. Ăn tới đâu, tỉnh tới đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét