Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Chống dịch cúm A/H5N1: Bảo hộ người nuôi hơn giết yến


“Có giết hết chim yến mang mầm bệnh? Tôi khẳng định chắc rằng, không thể thực hiện được và tiêu huỷ không xuể”, TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh, người đã có bề dày kinh nghiệm trong phòng, chống dịch lở mồm long móng, SARS, A/H5N1, H1N1, khẳng định.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Lê Trường Giang sau quyết định tiêu huỷ khoảng 10.000 con chim yến tại Ninh Thuận do dịch cúm A/H5N1.

Thưa ông, cúm A/H5N1 được phát hiện trên đàn chim yến. Nhiều người cho rằng, quyết định tiêu huỷ yến là không hợp lý, quá vội vàng vì đó là chim trời, việc chống dịch đối với chim đang đi “trật lề”?

Ở VN, lâu nay chỉ phát hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nuôi. Vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, việc tiêu huỷ cũng dễ dàng với mục đích: Tránh lây lan virus cho con khác và từ đó tránh lây lan trong cộng đồng. Cơ quan chức năng tiến hành khoanh vùng tiêu huỷ tất cả các con vật có hay không mầm bệnh và đảm bảo không có con nào chạy thoát ra ngoài để lây cho con khác. Việc tiêu huỷ gia cầm, thuỷ cầm (vịt chạy đồng...), trâu, bò, lợn dễ dàng thực hiện vì đó là vật nuôi.

Riêng với chim trời, đặc biệt là chim yến thì lại khác hoàn toàn. Khoanh vùng để tiêu huỷ chim yến liệu có làm được không? Có giết hết được chim yến mang mầm bệnh? Tôi xin khẳng định chắc rằng, không thể thực hiện được và tiêu huỷ không xuể. Nguy hiểm ở chỗ, khi tiêu huỷ không khéo chim bị động ổ sẽ bay sang chỗ khác và mang theo mầm bệnh phát tán rộng hơn lây cho những đàn mới và cứ thế dịch sẽ lan rộng.

Trên thế giới, liệu có cách tiêu huỷ chim nhiễm bệnh như Việt Nam hay không?

Tôi đọc nhiều sách về phòng, chống dịch nhưng chưa có nước nào hoặc tổ chức nào triển khai chiến dịch tiêu diệt chim mang mầm bệnh cả. Đừng nghĩ chỉ có chim yến bị nhiễm bệnh, lâu nay cũng có nhiều loại chim như chim sẻ, bồ câu cũng bị nhiễm virus chết nhưng chúng ta không để ý. Như vậy, dịch bệnh đối với chim thì không có gì mới vì nó đã tồn tại từ trước đến nay. Khi nuôi chim yến, chúng ta phải lường trước được việc này và chắc chắn chim yến cũng không thoát khỏi quy luật nhiễm bệnh.

Lấy mẫu chim yến chết tại chuồng nuôi ở Bình Thuận. Ảnh: Lưu PhongLấy mẫu chim yến chết tại chuồng nuôi ở Bình Thuận. Ảnh: Lưu Phong

Dân hoang mang, chính quyền lúng túng trong việc xử lý dịch cúm từ chim trời. Theo ông, động thái chống dịch bây giờ là gì?

Đối với chim yến, tập tục sống của nó ở trên trời nên khó lây bệnh từ gia cầm nuôi. Đến thời điểm này, chưa ai nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Nguồn lây của chim yến phát xuất từ đâu khi chim yến bay trên trời không xuống dưới đất, không kiếm ăn dưới đất nhưng virus thì ở mặt đất. Theo tôi, có thể chim yến bị lây từ loại chim khác đã mắc bệnh hoặc có thể bị lây từ nguồn khác như từ người nuôi khi thu hoạch khai thác tổ yến... Môi trường ở dưới đất mới lây cho chim trên trời khi bay về tổ.

Khi nuôi chim yến, cơ quan chức năng phải tính đến việc chim nhiễm bệnh chắc chắn sẽ xảy ra và khi bị nhiễm thì phải xử lý như thế nào. Chính vì không có dự báo nên khi gặp tình huống trên lại bị lúng túng xử lý. Công việc bây giờ không phải là trả lời câu hỏi tại sao yến nhiễm bệnh mà là việc chính quyền sở tại hoặc cấp trung ương nên có những ý kiến, hội thảo, hội nghị của các cơ quan chuyên môn đưa ra những hướng xử lý, hướng dẫn những quy định để đối phó với dịch này hiệu quả nhất.

Vậy, nếu không tiêu huỷ thì cứ để cho chim yến tự thân chống bệnh thì có an toàn? 

Giết yến sẽ không mang lại kết quả dập được dịch như mong muốn. Việc tiêu huỷ chỉ mang lại sự an tâm và cảm giác tâm lý an toàn cho người dân. Nhưng nếu không giết thì nguy cơ sẽ lây nhiễm cho những con chim khác và lây nhiễm cho gia cầm, thuỷ cầm và những người trực tiếp nuôi, thu hoạch yến. Cần phải nhớ rằng, đặc điểm của dịch bệnh: Nếu dịch lây lan rộng thì sự miễn dịch sẽ mạnh hơn. Con nào mạnh thì qua đi, con nào yếu thì tự chết.

Còn nếu chúng ta giết không hết, có nhiều con chạy thoát thì tiếp tục lây lan và dịch sẽ kéo dài.

Ở góc độ khác, theo quy luật phòng, chống dịch lâu nay, nếu không tiêu huỷ có thể dịch sẽ phát triển rộng hơn nhưng nó sẽ kết thúc nhanh hơn vì sự miễn dịch sẽ nhanh chóng xuất hiện.

Cúm A/H5N1 quá nguy hiểm, đe doạ đến sức khoẻ cho con người. Không giết chim thì làm sao bảo vệ được người?

Thay vì giết chim trời khó như... đếm sao thì chúng ta nghĩ đến phương án có động thái bảo vệ người. Cụ thể, bảo vệ người tiếp xúc trực tiếp với yến như người nuôi, khai thác, sơ chế. Theo đó, phải nâng cao năng lực phòng ngừa bệnh cho những người này bằng cách trang bị kiến thức, dụng cụ bảo hộ lao động, dung dịch sát khuẩn... Nếu tuân thủ quy trình tự sát khuẩn như tắm rửa thay đồ sau khi tiếp xúc với yến sẽ hạn chế sự lây lan không chỉ cho chính bản thân mà cho người xung quanh.

Thông qua đợt dịch lần này, cơ quan thú y phối hợp với y tế triển khai hướng dẫn những biện pháp phòng thủ, phòng ngừa lây nhiễm cho người. Quy định bắt buộc cơ sở nuôi chim yến phải có những phương tiện, trang bị dụng cụ gì để bảo vệ cho con người trước dịch bệnh thì là điều đáng làm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Võ Tuấn
Lao động

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Diệt đàn yến nuôi, hãy cẩn trọng


TP - Sau khi tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm gia cầm H5N1 ở đàn chim yến nuôi ngày 19/4/2013, dân cư lo lắng dịch bệnh có thể lây sang người, các cơ quan chức năng còn lúng túng, các nhà khoa học chưa hiến kế, còn các chủ nuôi yến đang trên bờ vực sạt nghiệp.
Bên trong một nhà yến. Ảnh: NGuyễn Đình Quân
Bên trong một nhà yến. Ảnh: NGuyễn Đình Quân.
Một đặc điểm để phân biệt chim yến và các loài khác cùng họ với yến như én là chim yến không bao giờ đậu, chúng chỉ treo mình trên các vách đá dựng đứng hoặc những thanh làm tổ. Đã vào nhà ở và làm tổ, chim yến gần như ở lại suốt đời trừ khi ngôi nhà đó có những yếu tố làm chúng bất an như bị phá hoại. Do đó, càng lâu năm, đàn yến càng đông.
Chim yến mà chúng ta dụ được chủ yếu là các con chim non. Chim yến ăn những loài côn trùng nhỏ khi chúng đang bay. Do đó chim yến có tác dụng bảo vệ mùa màng cho nông dân.
Về tập quán, chim yến kiếm ăn xa nhà, xa tổ, đàn này không tiếp xúc với đàn kia, tối mới bay về, lượn vài vòng là vào tổ, rất ít phân chim và chỉ rải quanh nhà nuôi yến. Cho nên khả năng lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác và cho người là rất thấp.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết sau khi có thông tin dịch cúm H5N1 xuất hiện trên đàn chim yến nuôi tại tỉnh Ninh Thuận, Chi cục tổ chức lấy sáu mẫu máu trên đàn chim yến của hai hộ nuôi ở Khu phố 1 thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa để xét nghiệm. Kết quả cho thấy hầu hết các mẫu cho kết quả âm tính (không bị nhiễm cúm). Các tỉnh Quảng Nam và Kiên Giang cũng chưa phát hiện virus H5N1 ở đàn yến nuôi.
Phun hóa chất, lợi bất cập hại
Chim yến rất nhạy cảm với mùi lạ. Việc vệ sinh sát trùng nhà yến bằng hoá chất sẽ làm chim yến không bao giờ quay về tổ cũ. Việc nên làm là cần chủ động phòng dịch cho đàn gia cầm ở trong khu dân cư gần nhà nuôi yến.
Chúng ta đều biết virus là vi sinh vật ký sinh trên một số tế bào của vật chủ nhất định, chỉ sống và tồn tại lâu trong cơ thể động vật chủ, còn ngoài môi trường chúng tồn tại rất ngắn. Virus bền vững với thuốc, hoá chất hơn so với tia cực tím và nhiệt độ.
Cho đến nay, biện pháp diệt virus trong môi trường không khí, nước sinh hoạt và bề mặt an toàn nhất vẫn là biện pháp sử dụng đèn tia cực tím sóng ngắn. Trong công nghệ xử lý nước uống đóng chai, đường kính ống dẫn nước thuỷ tinh 1 cm thì chỉ cần sáu giây bị tia cực tím xuyên tới là virus đủ chết, hết khả năng gây bệnh.
Các phòng mổ cũng được trang bị đèn cực tím để tiệt khuẩn, kể cả virus trong không khí và các bề mặt mà tia cực tím chiếu tới, vừa tránh được hư hỏng nội thất. Phân chim bị phơi nắng cả ngày thì cũng hết nguy hiểm. Đối với người nuôi yến, việc tiệt khuẩn tổ yến để phòng dịch cũng nên theo cách này.
Về an toàn thực phẩm, tổ yến dùng vào mục đích thực phẩm đều phải qua khâu sơ chế, sấy khô và cũng không nên dùng nhiệt độ cao sẽ giảm chất lượng và thời hạn sử dụng của sản phẩm. Người tiêu dùng đã mua sản phẩm tổ yến thiên nhiên cũng có thể yên tâm vì nhiệt trên 60 độ C là virus đã bị diệt.
Về vệ sinh và dịch tễ học, người tiếp xúc chủ yếu với đàn yến bị bệnh là người nuôi, vì vậy chỉ cần giám sát dịch tễ người nuôi và vệ sinh phân chim xung quanh nhà nuôi là đủ.
Bác sỹ
Nguyễn Văn Dũng

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Phòng cúm không khéo sẽ tận diệt chim yến”


(Dân trí) - “Trên thế giới chưa có trường hợp nào chim yến nhiễm cúm. Chim yến chết cũng là chuyện bình thường vì các nguyên nhân khách quan. Việc kiểm dịch cần thận trọng. Không khéo, sẽ tận diệt cả đàn chim yến”.

Ngày 23/4, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu (thuộc Viện khoa học - Công nghệ Việt Nam) đã nêu quan điểm của mình về cách xử lý thông tin chim yến lây lan dịch cúm như trên.
Cần bình tĩnh
Nhiều nhà nuôi yến lao đao vì thông tin cúm A/H5N1
Nhiều nhà nuôi yến lao đao vì thông tin cúm A/H5N1
Việc xử lý đàn chim yến vì nghi ngờ lây lan cúm A/H5N1 tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều. Theo PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu thì việc chim yến chết là chuyện bình thường và trên thế giới hiện chưa có trường hợp nào chứng minh chim yến là nguồn nhiễm cúm.
PGS.TS Diệu Thu cho biết, năm 2012, có 1.000 con chim yến chết vì vệ sinh chuồng trại không tốt. Năm 2000, ngoài đảo yến cũng từng xảy ra vụ chim yến con chừng 10 ngày tuổi chết hàng loạt làm giảm 60% sản lượng. Trong nhà yến, chim yến chết là chuyện bình thường, nhất là những chim con, sức đề kháng yếu. Mỗi ngày, 5-7 con chim yến chết cũng là chuyện không có gì khó hiểu đối với người nuôi chim. Những nguyên nhân khiến chim yến chết có thể do phun thuốc, cũng có người dùng mấy xua đuổi chuột, gián nhưng lại khiến chim chết, vệ sinh nhà chim không tốt…
“Cần bình tĩnh để bảo vệ đàn chim, đừng thấy một con chim chết thì vội vã kết luận cả nhà nuôi chim có cúm…”, PGS.TS Diệu Thu nói.
Cũng theo PGS.TS Diệu Thu, việc lấy mẫu chim yến đưa đi kiểm dịch cần làm thận trọng, có mẫu lưu, lưu nhiều để làm chứng cứ pháp lý. “Quan điểm khoa học của tôi là nên làm chặt, có văn bản kết luận đóng mộc của các cơ quan kiểm dịch. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần công bố thêm một số công văn có pháp nhân trong vụ việc xử lý các đàn chim yến nghi nhiễm cúm A/H5N1 này. Quan điểm của tôi là cần bảo vệ đàn chim yến đang còn”, PGS.TS Diệu Thu nói.
PGS.TS Diệu Thu cũng cho biết, bình thường, thế giới lấy mẫu phân chim để phân tích, kiểm nghiệm còn ở ta thì lại còn lấy thêm mẫu chim chết, trong khi chim chết có nhiều nguyên nhân. Đó là chưa nói, có một nghiên cứu kết luận tổ yến có khả năng phòng ngừa bệnh cúm. “Chim yến bay suốt ngoài biển, có đậu ở đâu mà dính vi rút, vi trùng. Trên thế giới, chưa có trường hợp nào nói chim yến gây nhiễm cúm. Phòng cúm A/H5N1 lây lan từ chim yến như chúng ta đang làm, không khéo sẽ tận diệt”, PGS.TS Diệu Thu cho biết thêm.
 
Trong khi đó, bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc thương hiệu Yến Việt cho biết, khi thông tin cúm xảy ra, doanh nghiệp đã chủ động tích cực sàng lọc các loại chim yến. “Chúng tôi làm như vậy vì lợi ích cộng đồng là trên hết chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Làm vậy cũng là để chim chết không còn, giữ lại đàn chim bố mẹ, chim khỏe. Bảo vệ đàn chim mà chúng tôi coi như những sinh linh bé bỏng chứ không chỉ là bảo vệ tài sản”, bà Loan nói.
 
Doanh nghiệp của bà Loan cũng đã chủ động diệt những chim con có sức đề kháng yếu. Tính đến nay, có khoảng 33kg chim con bị diệt (1kg chim con tương đương khoảng 100 con). Cơ quan chức năng đã đến nhà nuôi chim yến của công ty Yến Việt để lấy mẫu đi kiểm nghiệm. Có 68 mẫu chim (chim sống, chim chết, phân chim…) được lấy gửi đi Cơ quan thú y vùng 6 và Phân viện thú y miền Trung. Tới giờ, chưa phát hiện mẫu phân chim nhiễm, chỉ có một mẫu chim sống dương tính, còn lại chỉ nhiễm ở mẫu chim chết. Tuy nhiên, tất cả chỉ là công bố trong các báo cáo qua lại của các sở ngành chứ chưa có văn bản chính thức nào của cơ quan kiểm nghiệm có đóng dấu mộc gửi đến doanh nghiệp.
Thị trường yến sào lắng lại
Thông tin đàn chim yến ở Ninh Thuận bị tiêu diệt vì nghi là nguồn lây nhiễm cúm A/H5N1 khiến thị trường bán các sản phẩm từ chim yến bị sụt giảm. Một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này than thở: “Người tiêu dùng e dè khi mua sản phẩm yến sào vì nghe thông tin nhiễm cúm. Chính vì vậy, các cửa hàng của tôi đều bán rất chậm”.
Đối với các công ty sản xuất yến sào lớn ở Khánh Hòa thì cho rằng, việc đầu tư nuôi chim yến rất tốn kém. Thông tin yến bị nhiễm cúm như thế không chỉ gây khó khăn trong tiêu thụ nội địa mà xuất khẩu cũng rất khó khăn vì thị trường nước ngoài nghi ngờ sản phẩm yến sào Việt Nam đến từ vùng có dịch.
Trong khi đó, ông Lê Danh Hoàng, Giám đốc điều hành NutriNest thì bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng đây là cơ hội cho các nhà sản xuất yến sào uy tín. “Lâu nay, người tiêu dùng quen mua yến theo mối quan hệ mà không cần biết chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Nay, người tiêu dùng sẽ phải thận trọng và tất nhiên, họ sẽ chọn mua những thương hiệu uy tín”, ông Hoàng nói.
Đã có trường hợp dùng máy diệt chuột, gián nhưng làm chim yến chết nhiều
Đã có trường hợp dùng máy diệt chuột, gián nhưng làm chim yến chết nhiều
Tuy nhiên, đa phần các nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh yến sào bày tỏ mong muốn nếu kiểm dịch chim yến không phải là nguồn lây lan cúm thì cơ quan chức năng cần sớm công bố hết dịch để ổn định việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ loại sản phẩm này.
“Sản lượng yến trên toàn thế giới khoảng 3.750 tấn, doanh thu 6-7 tỷ USD. Trong khu vực Đông Nam Á có 5 nước nuôi được chim yến, đứng đầu là Indonesia, tiếp theo là Thái Lan, Malaysia… Malaysia mỗi năm sản xuất 275 tấn yến. Nước này đang đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ sản xuất 500 tấn, đạt doanh thu 1,5 tỷ USD. Nhiều nước đang muốn phát triển nguồn tài nguyên này trong khi Việt Nam chúng ta mới sản xuất 10 tấn/năm. Với các ứng xử với đàn chim yến như thời gian qua thì chúng ta đang tự làm nghèo đi nguồn tài nguyên đang là thế mạnh của mình”, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu nói.
Công Quang