Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Chùm ảnh về xây dựng nhà Yến

Tổng quan Khu vực xây nhà nuôi Yến

Khu vực xây nhà nuôi yến có nền đất rất yếu, nằm giữa một vùng ao, đầm bao bọc nên sau khi tính toán kỹ tôi quyết định sẽ xây nhà bằng vật liệu 3D.Đường vào trại rất chật hẹp và xa trục đường chính, vật tư được chuyển vào chủ yếu bằng xe rùa
Ngôi nhà này có diện tích 4 X 22 m, một trệt đúc tấm và một tum

Công nghệ tấm 3D rất thích hợp cho thi công khu vực nền đất yếu, không thể sử dụng các phương tiện máy móc thi công, và trên hết là mức độ sử dụng nhân công giảm đến mức tối thiểu, khi đúc tấm cũng không phải sử dụng nhiều giàn giáo,cốt pha và các máy trộn bê tông, tất cả đều là thủ công bằng tay
Thợ xây dựng đang phun nước bảo dưỡng tấm và các bức vách
Chỉ huy nhóm thi công là Anh Hoà, tốt nghiệp cao đẳng Bách khoa ( Chuyên nghành thợ Tiện).Với trình độ cao đẳng, sử dụng thành thạo các phần mềm đồ hoạ Autocad nên có thể kiểm tra và điều chỉnh các kích thước thiết kế trên máy tính,đảm bảo tối ưu nhất về kết cấu và xây dựng
Ông Hoà Giám đốc thi công ( tốt nghiệp cao đẳng nghề trường Bách khoa TP.HCM chuyên nghành Thợ Tiện)
Là một nhóm đã trải qua thi công rất nhiều công trình, nên nhóm thợ này đã triển khai cuộc sống công trình rất bài bản, thậm chí họ đã có cả dự phòng thực phẩm cho những ngày mưa
Đàn vịt được nuôi với mục đích dự trữ thực phẩm ngày mưa gío
Tôi hy vọng rằng công trình qua tay những người thợ này sẽ đạt chất lượng tốt nhất và đúng tiến độ

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Thiên đường chim yến đã mất!

SGTT.VN - Người dân rỉ tai nhau, yến non có công dụng cường dương khi ngâm rượu và đại bổ. Vậy là người ta đua nhau tận diệt tàn nhẫn yến con mới nở, đưa về ngâm rượu. Thiên đường yến vì thế nay chỉ còn vài con.  
Trên đảo Yến là tổ giữ vùng yến ở gồm 6 người, nhưng hai tháng giữ chỉ có 6 cá thể yến
Đảo yến (Quảng Đông, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là ngôi nhà của loài yến biển sinh sống từ hàng ngàn năm qua, nhưng nay đảo Yến bị chim yến khước từ bởi bàn tay con người.
Yến đã bỏ đảo ra đi mà theo lời của chủ tịch xã nói: “Gần như tuyệt chủng”. 
Cư dân xã Quảng Đông từ xưa đặt tên đảo hoang cách bờ chừng 2 hải lý là đảo Yến bởi chim yến nhiều vô kể. Trong các sách địa chí địa phương từng nói sản phẩm yến từ đảo Yến đã được đưa ra Thăng Long để vua ngự từ cách đây hơn 600 năm.
Nhưng nay loài yến ở hòn đảo 32ha này đã bỏ đảo ra đi bởi cách đối đãi tàn nhẫn của bàn tay con người. 
Bắt chim non về chiên mỡ ăn
Người Quảng Đông tự hào với đảo Yến đã cho họ sản vật đặc sắc từ mấy trăm năm, nhưng trong vòng chục năm trở lại đây, họ không nâng niu chim yến như tiền nhân từng trọng vọng. Một người dân kể: “Có những lúc mùa yến đẻ, bầy tui ra đảo không chỉ lấy tổ mà lấy trứng từng giỏ, bắt chim non về chiên mỡ ăn”.
Nơi chim yến ở nay đã vắng bóng yến.
Một thanh niên tên T. nói: “Mấy ông già không leo trèo được thì lấy sào chọc cho chim con rớt xuống, đầu đập vào đá chết, đưa về kho ăn. Một nồi như thế có khi kho cả cân, còn đám thanh niên trai tráng tận thu mọi thứ, hết chim non thì bẫy bắt chim bố mẹ về làm mồi nhậu”.
Khi đã thử hết mọi cách để thưởng thức yến sào, yến non, trứng yến, yến bố mẹ thì không biết từ đâu, người dân rỉ tai nhau, yến non có công dụng cường dương khi ngâm rượu và đại bổ. Vậy là dân bản địa đua nhau tận diệt tàn nhẫn yến con mới nở, đưa về ngâm rượu.
Ông Võ Quang Đạt, chủ tịch UBND xã nói đó là sự thật mà người dân địa phương đã ra tay với yến. Và một nguyên nhân nữa được ông đưa ra khi yến rời đảo Yến đến mức “gần như tuyệt chủng” là do mới đây hai năm, người ta đã đưa thuốc diệt chuột, diệt gián vào phun trong hang để đuổi gián nhằm làm du lịch thì đã vô tình làm thay đổi hoàn toàn môi trường ở của yến khiến yến cũng rời bỏ hang ra đi.
Đảo Yến như đảo hoang
Để chứng thực lời kể, chúng tôi theo một ngư dân bản địa ra đảo. Khoảng ba mươi phút, thuyền máy đã cập bờ. Trên hòn đảo này hiện trú ngụ 6 công nhân của Tổng công ty yến sào Khánh Hoà.
Trước thực trạng hàng chục ngàn chim yến rời đảo không về trong hai năm qua, UBND xã có tờ trình và được UBND tỉnh chấp thuận hợp tác với tổng công ty yến sào Khánh Hoà đưa máy móc, thiết bị, kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm ra đảo Yến “dụ” yến về lại tổ. Một công nhân nói, đã hai tháng nằm trên đảo Yến, cả tổ chỉ dụ được 6 cá thể yến.
Đảo Yến cách bờ 2 hải lý với 32ha, theo lời chủ tịch xã là “Gần như tuyệt chủng” chim yến.
Hòn đảo 32ha từng là thiên đường yến lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ nay chỉ còn vài cá thể yến khiến ai nấy không thể tưởng tượng được bàn tay con người đã làm biến mất hoàn toàn một gia tài quý giá mà ông cha để lại.
Ngư dân tên N.kể: “Thời bao cấp, quá đói, nhiều khi bắt chim non về ăn với khoai thay cơm. Thời đó yến bay đen kịt đảo, chừ ra đảo thấy hoang vắng bóng yến mà thấy mình ác quá, chừ nghe đến công dụng yến sào mà thấy mình ngu, sống gần mỏ “vàng” mà không biết giữ để rồi tiếc cũng không có được như xưa”.
Ông Võ Quang Đạt tiếc nuối: “Phải chi trước đây xã có những ràng buộc bảo vệ bằng định chế từ các xóm thôn thì chắc bây giờ không xót lòng. Nay bằng mọi giá, chúng tôi kêu gọi người dân không hành xử như trước mà tôn trọng yến, cùng chung tay tạo môi trường cho yến về lại với đảo Yến”.
Về Quảng Đông, nói chuyện đảo Yến vắng chim yến, người dân ai cũng cho rằng, một thời nhận thức kém đã dẫn đến sự ra đi gần như bặt tăm một loài chim quý. Họ ngậm ngùi vì chính bàn tay họ đã đẩy một đảo Yến quý giá thành nơi chim yến không thể tự tin bay về.
Quốc Nam