Trang

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Kiên Giang: Dân khiếu nại cơ sở nuôi chim yến

NDĐT - Rất nhiều hộ dân ở Kiên Giang đã có đơn khiếu nại gửi đến chính quyền địa phương vì việc nuôi chim yến đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Thời gian gần đây, phong trào nuôi yến ở Kiên Giang tự phát mạnh ở nhiều địa bàn dân cư thuộc TP. Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và một số huyện. Chỉ tính riêng tại TP. Rạch Giá đã có trên 100 cơ sở nuôi chim yến mọc lên, tăng đến 60 cơ sở so với cuối năm 2010. Các cơ sở nuôi chim yến tập trung phần đông tại khu đô thị lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá.
Hàng ngày, nhất là vào buổi chiều, chim yến bay về khu vực này rất đông và tiếng kêu của chúng gây ra âm thanh rất khó chịu. Không những vậy, để dẫn dụ chim yến về, các cơ sở phải gắn máy phát ra âm thanh của chim yến suốt ngày đêm.
Nhiều người sống tại khu vực này cho biết, họ rất bực bội vì nạn ô nhiễm môi trường sống do phân chim yến gây ra và nạn ô nhiễm tiếng ồn do tiếng kêu của yến cũng như âm thanh từ máy phát ra.
Người dân đề nghị, nếu đồng ý cho các cơ sở tiếp tục nuôi chim yến trong khu dân cư, chính quyền địa phương cần giời hạn thời gian phát tiếng kêu ở các cơ sở, buộc các cơ sở cam kết bảo vệ môi trường, có biện pháp khắc phục, hạn chế những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân.
Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá Phạm Hoàng Nam cho biết, thành phố sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang giữ nguyên hiện trạng những cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn thành phố, đồng thời buộc các chủ cơ sở phải cam kết bảo vệ môi trường.
TP. Rạch Giá sẽ không cấp phép cho các hộ xây dựng cơ sở mới để nuôi chim yến và không cho cải tạo, cơi nới nhà ở để nuôi yến trong các khu dân cư tập trung.

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Nhức đầu vì chim yến !

Nuôi chim yến mang lại siêu lợi nhuận khiến nhiều người dân xây dựng tràn lan nhà nuôi yến tại các quận ở trung tâm TPHCM, gây tác động tiêu cực đến cộng đồng dân cư

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM, hiện TPHCM chỉ mới cho phép nuôi chim yến tại khu vực huyện Cần Giờ. Thế nhưng, trong các khu dân cư trung tâm TPHCM, nhiều nơi người dân vẫn nuôi yến một cách tự phát.
Chim yến bay rợp trời tại một nhà yến trong nội thành TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe dân cư
Tại một căn nhà 4 tầng trên đường Võ Văn Tần, quận 3, phần gác trên cùng được dùng để làm nhà nuôi yến với các tấm tôn màu xanh dựng lên như chiếc hộp, khoét lỗ và đặt máy phát âm thanh dụ yến. Vào sáng sớm hoặc chiều tối, khu vực này trở nên ồn ào bởi tiếng kêu của chim yến về tổ. “Yến bay về thành đàn, phát ra âm thanh rất ồn, cộng thêm âm thanh từ máy phát dụ chim yến khiến nhiều người không khỏi nhức đầu. Mọi người ở đây đều mệt mỏi vì tiếng ồn và mùi hôi bốc ra từ ngôi nhà nuôi yến”- anh Minh Tùng, một người dân sống trong khu vực, than thở.
 
Còn anh Hoàng Đại (quận Gò Vấp) thì phản ánh có một hộ dân ở khu phố 5 trên đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp nuôi chim yến và mở máy dụ chim, tiếng kêu rất to suốt  từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ mỗi ngày. “Việc này làm ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi và học hành của gia đình tôi cũng như mọi người xung quanh. Hàng xóm có góp ý với người nuôi chim yến nhưng vẫn không thay đổi” - anh Đại bức xúc nói. Tương tự, nhiều người dân ở đường D2, D5 (quận Bình Thạnh), khu trung tâm quận 7… cũng phản ánh tình trạng nuôi chim yến tự phát trong các khu dân cư, gây ồn ào, nhiễu loạn.
Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM cho biết thời gian qua, chi cục nhận được nhiều đơn phản ánh, khiếu nại của người dân vì tiếng ồn do những nhà nuôi yến gây ra.
Ông Phan Xuân Thảo,  Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết không thể khẳng định chim yến không mang virus gây bệnh cho con người. Hiện chỉ có huyện Cần Giờ là được phép nuôi yến, còn lại nuôi ở nơi khác là chăn nuôi trái phép.
Tổ thực hiện đề án thí điểm nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ cho biết đã kiểm tra tiếng ồn tại các nhà nuôi thí điểm chim yến bằng máy Testo 815 của Đức và nhận thấy tiếng ồn không vượt mức cho phép quy định, tuy nhiên, vẫn cần có đánh giá chính xác của ngành y tế. Có thể tiếng ồn không vượt quy chuẩn của ngành môi trường nhưng về mặt tâm lý,  khi mở máy dụ yến thường xuyên hằng ngày (lặp đi lặp lại nhiều lần) có thể gây tâm lý khó chịu cho người nghe, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người dân cư ngụ xung quanh.
Cần quy hoạch, giám sát chặt chẽ
Theo kỹ sư, nghệ nhân nuôi yến Trần Thuận, TPHCM là một trong những địa bàn lớn có chim yến sinh sống tập trung. Hiện nay, rải khắp các quận, huyện đều có những mô hình nhà nuôi chim yến, nhất là các quận ở ngoại thành như Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ… Thời gian gần đây, số lượng nhà nuôi chim yến ở TPHCM tăng lên đột biến. Riêng ở huyện Cần Giờ, hiện phong trào nuôi chim yến phát triển rất mạnh và đang đứng đầu toàn TPHCM cả về quy mô và sản lượng.
Tại nội đô TPHCM có nhiều hộ gia đình cải tạo nhà đang ở, kho, xưởng hoặc xây nhà mới với phần trên thiết kế nuôi chim yến, còn phần dưới để ở. Hiện giá thu mua tổ yến trên thị trường từ 1.500 đến 2.000 USD/kg. Chính vì món lợi này mà  không ít người đã đổ xô làm nhà nuôi yến. Trước việc nuôi chim yến tự phát, những chuyên gia nuôi yến trong TP cảnh báo. “Không phải ngôi nhà gọi yến nào cũng thành công. Coi chừng mất tiền đầu tư vì giá thành đầu tư mỗi nhà yến tốn khoảng 1 - 2 tỉ đồng” - kỹ sư, nghệ nhân nuôi yến Trần Thuận cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu (Viện Sinh học Nhiệt đới), việc nuôi chim yến có mối quan hệ tỉ lệ thuận với bảo vệ môi trường. Nhà yến phải xây xa TP và các khu vui chơi, giải trí, xa sân bay, chủ yếu ở vùng nông thôn, hải đảo, ven đô, nơi có chim yến sinh sống. Theo bà Diệu Thu, không nên tiếp tục xây nhà yến trong TP. Việc nuôi yến cần có giấy phép xây dựng, giấy kiểm dịch thú y. Có quy định cụ thể về mức độ ồn khi mở băng gọi chim (phải dưới 40 decibel), về vệ sinh -  mùi hôi của phân chim, sự ẩm ướt do phun sương và bụi lông chim  khi đàn chim quá đông.
Đầu tháng 2-2012, UBND TPHCM đã giao Sở NN-PTNT thu thập các thông tin và tài liệu về ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam để giúp người dân TPHCM yên tâm đầu tư và  bảo  đảm công tác quản lý Nhà nước về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Chim yến đã về...

Nhà nuôi chim yến tại sườn núi Long, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.
    (THO) - Cho đến ngày hôm nay khi niềm vui đã ùa về và những giây phút thăng hoa chen cả vào giấc ngủ tôi vẫn không quên được những kỷ niệm đáng nhớ về những ngày tìm đường tiếp cận với nghề nuôi chim yến.
Năm 2009, có dịp vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, được trực tiếp nhìn thấy những nhà nuôi yến cùng với những thông tin có được về loài chim quý này tôi tự hỏi tại sao Thanh Hóa không có được sự may mắn đó. Đây là nghề “độc nhất vô nhị”: không phải chi phí đầu tư giống, thức ăn, lao động, lại là thiên địch của các loài côn trùng  gây hại cây trồng và cho ra loại sản phẩm con người mong đợi. Công  việc duy nhất là làm nhà gọi chim đến và từ đó tiếp nhận loại sản phẩm vô cùng quý giá từ chim ban tặng. Như vậy chính chim yến nuôi người chứ không phải con  người nuôi chim yến. 
 
    Từ nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy khẳng định giống chim quý này chỉ có ở vùng Đông - Nam Á. Ở Việt Nam, chim yến  thích hợp với điều kiện sinh thái có nền nhiệt cao quanh năm và vì vậy chỉ  tổ chức nuôi được ở các tỉnh phía Nam từ đèo Hải Vân trở vào. Cơ quan đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại TP Hồ Chí Minh cũng chỉ khuyến cáo các tỉnh khu vực phía Nam tiếp cận công nghệ và tổ chức các mô hình nuôi chim yến. Như vậy, có thể nói rằng các tỉnh phía Bắc chưa có trong tầm ngắm  và cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với nghề nuôi chim yến - một nghề có hiệu quả kinh tế rất cao này.
 
    Bày tỏ khát vọng  của mình muốn có nghề nuôi chim yến ở Thanh Hóa, tôi đã nhận được những lời khuyên chân thành: “Đừng mơ mộng điều gì nếu không thực tế, tốt nhất hãy tìm một nơi nào đó ở phía nam để thực hiện niềm mơ ước đó”. Biết như vậy tôi vẫn tự động viên mình hãy thử nhập cuộc xem sao. Tôi tự hiểu rằng: khoa học không phải  là con đường bằng phẳng, nếu chỉ biết chấp nhận những gì đã có thì làm gì có  những sản phẩm khoa học vô giá mà con người đang được tận hưởng. Hãy cố gắng vào cuộc có thể sẽ tìm ra một con đường đi mới. Vì vậy tôi vẫn ấp ủ tham vọng về đối tượng nuôi rất mới này tại Thanh Hóa.
 
    Ý tưởng đó mở đầu bằng việc tổ chức khảo sát thử  bằng máy chuyên dùng ngay trên nóc nhà của gia đình tôi. Thật quá bất ngờ, chỉ trong ít phút kể từ khi máy phát hoạt động đã có chim yến xuất hiện bay lượn  gần nơi đặt máy, tuy số lượng chưa nhiều nhưng là tín hiệu vô giá   rất đáng quan tâm vì có thể hiểu rằng Thanh Hóa đang có giống chim quý này tồn tại.
 
    Ngay sau đó, trong tháng 9 và tháng 10-2010 chúng tôi đã mở rộng địa bàn khảo sát. Khu vực núi Mật, núi Long  (TP Thanh Hóa) là điểm khảo sát tiếp theo. Kết quả vượt cả sự  mong đợi khi đàn chim tiếp cận với mật độ khá cao trong thời gian rất ngắn. 
 
    Tại khu vực núi Long việc khảo sát còn lặp lại lần 2, lần 3, kết quả lần nào cũng đạt được mỹ mãn với sự hồ hởi của mọi người tham dự. Khu vực này điều kiện sinh thái rất hấp dẫn vì xa khu dân cư, có núi đá, có các hồ nước xung quanh và các cánh đồng rộng cận kề là nơi cung cấp nguồn thức ăn vô tận cho chim.
 
    Từ kết quả những lần khảo sát trên, chúng tôi đi đến kết luận chắc chắn rằng: Chim yến - giống chim quý của Việt Nam và vùng Đông - Nam Á, đã và đang sinh sống tại Thanh Hóa.
 
    Bước tiếp theo là phải xây dựng được mô hình nuôi yến tại vùng sinh thái mới này điều mà trước đây có lẽ chưa ai nghĩ tới. Tìm đến một số tổ chức, cá nhân có tiềm năng vận động hợp tác nhưng không được chấp nhận. Các tư liệu hiện hữu về đối tượng này đang là vật cản của những người quan tâm. May mắn thay một chủ trang trại ở phía tây núi Long có tên là  Nguyễn Kiên Thọ người nhiều lần tham gia khảo sát, đã tự nguyện đồng hành với Hội CNSH với tư cách là chủ đầu tư xây dựng mô hình và tiếp thu công nghệ. Hành động dũng cảm của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc, tin tưởng trong chúng tôi. Bên cạnh đó sự giúp đỡ về chủ trương, địa điểm xây dựng  của lãnh đạo TP Thanh Hóa cũng là nhân tố quan trọng để công trình trở thành hiện thực.
 
    Nhà nuôi yến được tổ chức thi công rất khẩn trương. Vị trí xây dựng khá phức tạp, phải kéo dài nhiều tháng mới hoàn thành.
 
    Công việc tiếp theo là lắp đặt thiết bị phát âm thanh để gọi chim đến, thiết bị nội thất cho chim làm tổ, phun chất dẫn dụ bên trong  và các thiết bị cần thiết khác. 
 
    Giai đoạn dẫn dụ chim và kết quả sau đó là thời gian đáng ghi nhớ nhất. Ngược lại với những lần khảo sát trước đây tại cùng địa điểm vào năm 2010 với kết quả thu được khá mau lẹ và rất khả quan trong thời gian ngắn ngủi thì lần này kết quả sau nhiều ngày vẫn chỉ là số không tròn trĩnh. Mặc dù loa phát dẫn dụ tiếng chim hoạt động với cường độ âm thanh cao hơn, vang xa hơn trước, bao trùm vùng  không gian  rộng lớn  xung quanh nơi đặt máy. Nhiều ngày qua đi vẫn không hề thấy chim yến xuất hiện. Tâm lý bi quan, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng bao trùm những người trong cuộc.
 
    Và, cũng từ đó các ý kiến trái chiều bắt đầu xuất hiện, ý kiến phản bác có, phê bình có và thông cảm, chia sẻ động viên  cũng có. Có ý kiến cho rằng đây là hành động mạo hiểm, liều lĩnh thiếu căn cứ khoa học. Ý kiến khác phân tích: với thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ quá thấp, rét đậm, rét hại kéo dài chưa từng có vừa qua lại là nguyên nhân của sự cố nêu trên. Trong điều kiện như  vậy việc chim phải đến nơi ấm áp để tránh rét, tìm kiếm thức ăn duy trì sự sống là lẽ đương nhiên của quy luật sinh tồn. Có người nói đây là thử thách tuy bất ngờ cần có, nếu vượt qua được thì tính khả thi của công trình khoa học sẽ được khẳng định.
 
    Chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía sự nhọc nhằn, vất vả nhiều khi quên ăn, mất ngủ trong những ngày chờ đợi với hy vọng nhỏ nhoi. Còn riêng tôi lại cảm thấy mình có lỗi đôi khi bắt gặp chị Hà - người luôn sát cánh với công việc của chồng chị - với đôi mắt ướt lệ khi nhìn lên ngôi nhà không một bóng chim yến vào ra.
 
    Mọi chuyện tưởng chừng kết thúc tại đây, nhưng rồi thật quá bất ngờ, bất ngờ đến mức không dám tin đó là sự thật, những ngày đầu của tháng 7 năm 2011 niềm vui vô hạn đã đến với chúng tôi, những đôi chim yến đầu tiên xuất hiện, bay lượn, thăm dò, khảo sát, tiếp cận công trình. Lượng chim tăng lên rất nhanh theo thời gian, vào ra, quây quần, nhộn nhịp vào thời điểm sáng sớm và  lúc cuối ngày. Không thể đếm chính xác được nhưng đến thời điểm này nhiều người dự đoán đã có hàng ngàn cá thể vào đây cư ngụ. Hơn thế nữa nhiều chim yến đã được sinh ra, trưởng thành, đủ lông đủ cánh tại đây. Kèm theo nó là hàng trăm tổ yến - loại sản phẩm mọi người mong đợi - đã được tạo ra ngay trong nhà nuôi yến tự tạo. Còn  gì vui hơn khi tận mắt thấy đàn chim yến trở về vào nhà cư ngụ và bắt đầu  cho ra những sản phẩm đầu tiên  quý giá ngay tại TP Thanh Hóa của chúng ta.
 
    Thử thách vừa qua tuy đắt giá nhưng vô cùng hữu ích. Có thể nói con đường đến đích của một nghề mới tuy không bằng phẳng nhưng không phải không thể đến được bằng nghị lực ý chí và sự sáng tạo.
 
    Chim yến đã về, hy vọng sau một chu kỳ sản xuất - 12 tháng, một công trình khoa học táo bạo và dũng cảm (theo đánh giá của GSVS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học  và Kỹ thuật Việt Nam) – một nghề mới ở Thanh Hóa  sẽ được khẳng định.
.Phan Ánh 
Chủ tịch Hội Công nghệ sinh học Thanh Hóa