Trang

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Nuôi yến, nhiều triển vọng


Nghề nuôi chim yến ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2004. Đến nay đã có khoảng 20 tỉnh thành có nhà nuôi chim yến (nhà yến), chủ yếu từ các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đến đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). 
“Khu công nghiệp” nuôi yến
Địa phương có số nhà yến nhiều nhất là TPHCM, kế đến là Khánh Hòa, Bình Định, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tỷ lệ yến vào nhà làm tổ khoảng 60%-70%. Hiện nay nuôi yến trở thành một nghề thật sự. Dự báo đến năm 2020 sẽ lên 10.000 nhà yến.
Nhà nuôi chim yến vừa được xây dựng ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ.
Theo ước tính, sản lượng nuôi yến hàng năm của 20 tỉnh thành khoảng 10 tấn/năm. Doanh thu bán lẻ tổ yến thế giới khoảng 4,15 tỷ USD vào năm 2009, với mức tăng khoảng 15%/năm. Hiện một số nhà đầu tư có 3 - 7 nhà yến, có nơi 1 tháng thu hoạch 10kg, nhiều nhà nuôi yến thu hoạch 700 - 800g đến 1kg. Với giá bán 35 - 60 triệu đồng/kg (tùy loại), đó là con số có sức thu hút... Vì vậy, việc nuôi chim yến đang phát triển rất nhanh ở nhiều nơi. Xu hướng mới hiện nay ở những nước có nghề nuôi yến như Indonesia, Malaysia, Thái Lan là hình thành các khu nuôi yến tập trung trong vườn sinh thái gọi là Ecopark, với yêu cầu phải xa khu dân cư 10 - 50km. Malaysia có 20 dự án nuôi yến như vậy, trong đó Ecopark tại Johor Baruh có 100 đơn vị nhà yến, kích thước mỗi đơn vị khoảng 6mx22m. Ở Indonesia, các khu nuôi yến tập trung nhiều tại vùng nông thôn và hải đảo. Có nước đang siết chặt những khu vực nuôi tự phát như Malaysia quy định thành luật, không được xây thêm nhà yến trong thành phố, phải xa khu đô thị, quy định về tiếng ồn, vệ sinh, kiểm tra thú y…
Tại TPHCM đã quy hoạch hẳn khu nuôi yến tập trung tại huyện Cận Giờ nhưng còn ở dạng thử nghiệm, trước khi cho mở rộng quy mô nuôi tập trung theo quy hoạch khoảng 250ha tại xã Tam Thôn Hiệp. Tỉnh Ninh Thuận có dự án quy hoạch khu nuôi yến tập trung dọc hai bờ sông Dinh. Theo nhận định, chim yến có thể thành ngành nuôi công nghiệp ở Việt Nam, với mức thu nhập cao (35 - 60 triệu đồng/kg) và hoàn toàn có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong tương lai nếu biết cách khai thác thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhờ bờ biển rất dài, lại có nhiều đảo và hệ thống rừng ngặp mặn như rừng ngập mặn Cần Giờ rộng trên 30.000ha. Theo Tiến sĩ Lê Võ Định Tường, Viện Công nghệ hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), TPHCM có thể trở thành trung tâm thúc đẩy công nghiệp nuôi chim yến, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị mà TPHCM đang hướng đến.
Tạo môi trường tốt cho chim
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh của nhà yến, những người am hiểu không khỏi lo ngại. Không phải cứ có tiền, mua kỹ thuật công nghệ nước ngoài là thành công. Bởi cho đến nay, tỷ lệ chim yến vào làm tổ ở mức 60%-70%, tức có tỷ lệ không nhỏ nhà yến sau vài năm xây dựng chim vào rất ít, chim con sau khi sinh ra đều bay mất. Tại Nha Trang một số nhà yến quy mô lớn chim vẫn chưa vào hoặc vào rất ít. Có vùng mức độ chim vào khá chậm so với các vùng khác. Cho đến nay, ngay cả công nghệ dẫn dụ yến vào nhà được nhà đầu tư nuôi yến Việt Nam tin tưởng nhiều thì tỷ lệ thất bại cũng lên đến 40%. Nguyên nhân do người nuôi chưa hiểu biết về môi trường sống, điều kiện sống của loài chim này, nhất là kiến thức để cải tiến kỹ thuật… Nghề nuôi yến còn phụ thuộc vào đặc tính sinh sản của động vật, trình độ dẫn dụ, khả năng quản lý và thu hoạch tổ yến…
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Khoa Dịu Thu, sự phát triển của chim yến có mối quan hệ tỷ lệ thuận với bảo vệ môi trường. Nếu môi trường thiên nhiên bị phá hủy do đô thị hóa, chim yến có thể sống trong “khách sạn 5 sao” nhưng thức ăn không đủ, buộc phải đi rất xa để kiếm ăn, sự tiêu tốn năng lượng sẽ làm cho số lượng bầy đàn giảm xuống. Trong nuôi yến, cần chú ý mối cân bằng sinh học giữa côn trùng - chim yến - con người, nghĩa là cần nghĩ đến sự cân bằng giữa lượng thức ăn có trong tự nhiên với tổng đàn yến và số nhà yến mà con người xây dựng.
Ở Indonesia, Malaysia tỷ lệ thất bại của nuôi yến trong nhà là 40% do 2 nước này có số trại và nhà nuôi yến phát triển nhanh hơn số lượng chim. Dù Indonesia có công nghệ nuôi yến trong nhà phát triển rất sớm nhưng thất thu một phần vì nuôi yến thiếu kiểm soát. Ngoài ra, cần biết một đặc điểm của loài yến là phân bố không đồng đều. Trong nghề nuôi yến, cơ hội thành công nhiều nhất là xây nhà ở gần nơi có nhiều yến (trung tâm yến) hoặc gần đảo yến (cách khoảng 10km trở lại là tốt nhất). Ngày nay, người ta có thể sử dụng máy gọi chim và quan sát đường chim bay, vùng chim kiếm mồi để xem sau thời gian bao lâu thì gọi được bao nhiêu chim về, từ đó xác định địa điểm xây dựng. Nhưng sự thành công còn có yếu tố may mắn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét